Chạm tay vào hơi thở văn hóa tại Làng lụa Vạn Phúc

 

Chúng tôi đến Làng lụa Vạn Phúc vào một sáng thứ sáu trời mát mẻ. Làng lụa Vạn Phúc nằm ở Hà Đông, cách Hà Nội chỉ 10 km. Chỉ 10km thôi nhưng dường như nơi đây vẫn giữ được một bầu không khí cổ kính và hoài niệm. Ngôi làng bên bờ sông Nhuệ vẫn còn gìn giữ được những gốc đa, cây cổ thụ, giếng nước, sân đình. Mọi hoạt động buổi sáng diễn ra một cách chạm rãi và nhẹ nhàng, không chút xô bồ, vội vã.

 

Đặt chân đến Vạn Phúc là đã cảm nhận được rõ rệt cái bầu không khí an lành nơi đây

 

Chúng tôi lần lượt đi tham quan nơi các nghệ nhân thực hiện nhiều công đoạn để dệt một tấm lụa hoàn chỉnh. Đầu tiên, tất cả bắt đầu từ những con tằm. Tằm được nuôi một cách kĩ lưỡng và tỉ mỉ, nhả tơ thành kén.  Sau khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức nằm yên trong kén và hoá thành nhộng, lúc này có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ. Ươm tơ chính là việc kéo sợi tơ từ kén thành sợi tơ tằm. Để ươm tơ, đầu tiên thả kén vào nồi nước sôi, đảo kén làm lớp keo sericin tan ra một phần, kén mềm, lớp áo kén ngoài bong ra thì mới tìm được mối tơ gốc để rút sợi tơ. Sợi tơ tằm sau khi đã được rút và phơi ra nắng thì tiến vào công đoạn xe sợi dệt lụa. Những vuôn lụa mới dệt xong gọi là lụa mộc, chỉ có màu trắng ngà của tơ, vẫn còn khô cứng vì còn keo sericin, qua công đoạn nhuộm màu, lụa sẽ có thêm nhiều sắc màu độc đáo. Ngoài các mẫu thiết kế đa dạng và chi tiết tỉ mỉ, bắt mắt, lụa Vạn Phúc còn được biết đến là lụa mặc hè thì mát, đông thì ấm. Lụa Vạn Phúc ngày xưa từng là lựa chọn để may trang phục cho nhà vua và hoàng tộc.

 

Lần lượt thăm quan các công đoạn làm lụa...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Được nghe giải thích các quy trình...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...đến chăm chú ghi lại những kiến thức mới được các nghệ nhân chia sẻ

 

Ngoài quan sát công đoạn để dệt lụa, chúng tôi đi sâu vào trong để thăm đình làng Vạn Phúc. Ở đây toát ra một bầu không khí trầm ngâm, thanh bình như để đời đời nhớ ơn công lao của bà A Lã Thị Nương, người đã lập ra làng lụa và truyền bá nghề thủ công này. Chúng tôi được dặn dò cẩn thận các quy tắc trong đình. Thật thú vị khi thấy tất cả đều khẽ nhắc lẫn nhau cả trong lúc tham quan đình và đứng niệm…

 

Những cửa hàng lụa được bày bán ở trong làng thường được thiết kế tinh tế, nhẹ nhàng, mang nhiều gam màu cổ kính. Tuy các món đồ vượt quá túi tiền của nhiều bạn nhưng điều đó cũng không làm giảm sự thích thú khi ngắm nhìn và ghé vào nhiều cửa hàng bán lụa tại đây.

 

Các gian hàng san sát nhau trên phố

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Và trưng bày rất nhiều sản phẩm màu sắc và đẹp mắt

 

Chuyến đi đến làng lụa Vạn Phúc của chúng tôi diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, chưa đủ để tôi có thể hiểu hết về độ dày lịch sử cũng như thăng trầm bao thế kỉ mà ngôi làng này trải qua. Thế nhưng một điều…một điều làm tôi ngạc nhiên nhất về nơi này. Đó là dù nằm giữa những tòa nhà cao tầng, nằm giữa phố phường đông đúc, hiện đại và hối hả, làng lụa Vạn Phúc vẫn gìn giữ nét đẹp hiền dịu riêng của mình, làm cho người đến, kẻ đi ít nhiều có những cảm giác bình yên đến lạ…

 

Đội Phóng viên - Ban Truyền thông DSC

 

Bài tin liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin đọc nhiều